Tẩy phá cáu cặn lò hơi

Tẩy phá cáu cặn lò hơi

Ngày đăng: 23/03/2023 09:42 PM

TẨY PHÁ CÁU CẶN LÒ HƠI

  1. Tại sao phải tẩy phá cáu cặn?:

Dĩ nhiên lò không bị cáu cặn thì không bao giờ phải tẩy phá cáu cặn. Thường xuyên kiểm tra nước lò hơi (nước xả đáy), nếu thấy nước trong, không có cặn lắng thì lò hơi không bị cáu cặn.

Trường hợp xử lý nước không đúng (thường là hóa chất xử lý nước không đúng), gây nên cáu cặn thì phải tẩy phá cáu cặn. Đành rằng mỗi lần tẩy lò là mỗi lần ống bị mòn thêm, nhưng nếu không tẩy phá cáu cặn thì rất tốn nhiên liệu và lò dễ bị sự cố do bị co giật, phù, dộp, vỡ ống, . . . gây đình trệ sản xuất.

Xử lý nước đúng, không bao giờ phải tẩy phá cáu cặn. Nếu Quý vị cần tìm hiểu thêm, vui lòng liên lạc số điện thoại (zalo): 0906430726 hay email: locsaigon@gmail.com

Thông thường, nếu lò bị cáu cặn do xử lý nước không đúng, Qúy vị nên tẩy phá cáu cặn mỗi năm 1 hoặc 2 lần, thường chọn vào các dịp nghỉ để không ảnh hưởng đến sản xuất.

  1. Chuẩn bị:
  1. Thiết bị sử dụng:
  • Sử dụng bơm màng hay loại bơm phù hợp với dung dịch a-xít và dung dịch kiềm; dùng để bơm dung dịch a-xít loãng tẩy phá cáu cặn và dung dịch kiềm trung hòa lượng a-xít còn sót lại; cũng như nước sạch để rửa sau cùng.
  • Dùng thùng nhựa để chứa dung dịch a-xít cũng như dung dịch kiềm trong quá trình chạy tuần hoàn
  • Các dụng cụ tháo lắp, bảo hộ lao động và các phụ kiện khác, . . .
  1. Hoá chất sử dụng:

Sử dụng 2 loại hoá chất chính tương ứng với 2 giai đoạn tẩy rửa lò hơi.

  • Giai đoạn 1: Dùng dung dịch a-xít loãng HCl 5% tẩy sạch lớp cáu CaCO3, CaSO3, CaSO4, MgCO3, MgSO3, MgSO4, Fe(OH)3, Fe3O4, hợp chất si-líc, . . . bám trên bề mặt ba-lông, ống thép.
    • Thông thường a-xít HCl thương mại (ví dụ bán ở chợ Kim Biên) có nồng độ 37%, Qúy vị mua về pha nước vào, chứ mua loại a-xít loãng rất tốn tiền vận chuyển.
    • Tẩy phá cáu cặn xong, nếu có chỗ bảo quản, Qúy vị có thể lưu lại sử dụng cho lần sau, không phải mua nữa. Nếu không có chỗ bảo quản, xử lý chỗ a-xít đó cũng phức tạp. Tuyệt đối không được xả thải ra môi trường xung quanh khi chưa xử lý đạt yêu cầu.
  • Giai đoạn 2: Sau khi sử dụng dung dịch a-xít loãng HCl 5% để tẩy rửa cáu cặn, cần dùng dung dịch kiềm NaOH 3-4% để trung hòa tất cả a-xít còn bám trên bề mặt thiết bị. Ngoài ra, dung dịch kiềm còn giữ cho thiết bị không bị ăn mòn hóa học sau này. Nhưng sau đó phải dùng nước sạch rửa lại cẩn thận để tránh hiện tượng cường kiềm, là hiện tượng làm cho ống thép hóa giòn, dễ nứt vỡ dưới áp suất cao.
  1. Quy trình tẩy rửa lò hơi:
  1. Bước 1: Lắp đặt bơm, bồn nhựa chứa dung dịch a-xít loãng hay dung dịch kiềm, đường ống tuần hoàn.
  2. Bước 2: Chạy thử bằng nước để kiểm tra rò rỉ trong hệ thống
  3. Bước 3: Pha dung dịch a-xít HCl 5% từ dung dịch a-xít HCl 37% như sau:
    • Tỷ lệ: 230 lít nước pha với 1 can (30 lít) dung dịch a-xít HCl 37% sẽ cho 260 lít dung dịch a-xít loãng HCl gần đúng 5%.
    • Cách pha: cho toàn bộ nước vào bồn trước, sau đó rót dung dịch a-xít HCl 37% từ từ vào, khuấy đều ta được dung dịch a-xít loãng HCl 5%.
  4. Bước 4: Bơm dung dịch a-xít loãng vào lò, chạy tuần hoàn cho đến khi sạch, thông thường 24 – 30 giờ.
  5. Bước 5: Thả xút khô (Sodium Hydroxide) vào nước cho đến khi tan hết để được dung dịch kiềm NaOH 3-4%:
    • Tỷ lệ: Cho 10 kg xút khô vào 240 – 320 lít nước được dung dịch kiềm NaOH 3-4%.
    • Cách pha: cho toàn bộ nước vào bồn trước, sau đó bỏ xút khô từ từ vào, khuấy đều cho đến khi tan hết, ta được dung dịch kiềm NaOH 3-4%.
  6. Bước 6: Bơm dung dịch kiềm NaOH vào lò, chạy tuần hoàn cho đến khi đảm bảo không còn a-xít HCl bám trên đường ống, thông thường khoảng 60 phút.
  7. Bước 7: Sau đó dùng nước sạch rửa lại bằng cách bơm và chạy tuần hoàn khoảng 30 phút. Cấp nước đã xử lý vào lò hoạt động bình thường.

Lưu ý: Thận trọng không để da tiếp xúc trực tiếp với dung dịch a-xít HCl, xút khô và dung dịch kiềm NaOH. Riêng bồn chứa dung dịch kiềm NaOH nên thường xuyên đậy kín.

  1. Thực hiện:  Quy trình tẩy lò được thực hiện qua các giai đoạn như sau:
  1. Giai đoạn chuẩn bị và kiểm tra sơ bộ:
  • Kiểm tra sơ bộ các van, đường ống của lò hơi, xả hết nước trong lò ra ngoài.
  • Mở nắp lò hơi kiểm tra, đánh giá mức độ cặn.
  • Cho nước vào lò hơi ngập các ống lửa (đối với lò 1 ba-lông) hay đến giữa ba-lông trên (đối với lò 2 ba-lông).
  • Kiểm tra nguội xem có sự rò rỉ nào không, nếu có tiến hành xử lý.
  1. Giai đoạn tẩy phá cáu cặn: Bao gồm cả hai quá trình tác động hóa học và cơ học.
  • Tác động hóa học là dung dịch a-xít loãng HCl 5%.
  • Tác động cơ học là tạo dòng chuyển động nhờ bơm tuần hoàn.
  • Thời gian tẩy tùy thuộc mức độ cáu cặn trong lò nhiều hay ít và độ cứng của cáu cặn đã bám chặt như thế nào. Trong suốt thời gian tẩy phá cáu cặn cần theo dõi lượng cáu cặn được lấy ra, nếu thấy tương đối sạch thì có thể dừng lại, kết thúc giai đoạn tẩy phá cáu cặn.
  1. Giai đoạn trung hoà:
  • Xả hết dung dịch a-xít HCl trong lò hơi ra ngoài, đưa dung dịch kiềm NaOH 3-4% vào.
  • Bơm tuần hoàn cho đến khi sạch hết a-xít bám vào ống, khe và các góc kẹt trong lò.
  1. Giai đoạn rửa sạch:
  • Xả hết dung dịch kiềm NaOH trong lò hơi ra ngoài, dùng bơm áp lực rửa hết cặn bám còn dính trên ống và lò hơi.
  • Cho nước sạch vào lò để rửa; cho bơm chạy tuần hoàn khoảng 30 phút.
  • Xả hết nước trong lò ra ngoài, tháo các mặt bích xả cặn dưới lò nhằm thoát sạch nước và lấy sạch cặn trong lò.
  • Cho nước sạch vào lò hơi và xả ra nhằm loại bỏ toàn bộ cáu cặn trong lò hơi ra ngoài. 
  1. Giai đoạn kết thúc:
  • Lắp các mặt bích lò hơi, cẩn thận roong cửa người chui.
  • Cho nước đã xử lý vào lò và kiểm tra các mối nối có bị rò rỉ gì không?
  • Cho lò chạy để thử áp.
  • Vệ sinh xung quanh khu vực lò hơi, đưa bồn chứa dung dịch a-xit HCl và dung dịch kiềm NaOH đi nơi khác. Kết thúc quá trình tẩy phá cáu cặn lò hơi.

Chúc Qúy vị tránh tiêu hao nhiên liệu, giảm chi phí sản xuất để công ty ngày càng thịnh đạt.